Công tác quản lý thuế để ngày một nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả thu cho ngân sách nhà nước, góp phần khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao ý thức tự giác nộp thuế cho đối tượng nộp thuế và phải coi đó như một bổn phận và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế.
Luật quản lý thuế được ra đời như thế nào? Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế? Hãy tìm hiều bài viết dưới đây nhé:
1. Sự ra đời của Luật quản lý thuế
Hoạt động quản lý thuế là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để quản lý hoạt động thu – nộp thuế của các chủ thể nộp thuế theo quy định của pháp luật. Trước đây hoạt động quản lý thuế được thực hiện khá riêng rẽ đối với từng loại thuế và nội dung về quản lý thuế luôn là một phần quan trọng được quy định trong mỗi luật thuế. Cách thức quản lý như vậy đã bộc lộ nhiều bất cập vì không đảm bảo tính thống cũng như giảm bớt các thủ tục hành chính thuế, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính hiện nay:
Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông quan năm 2006, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2007 đã đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính thuế, theo đó, hoạt động quản lý thuế có cơ sở pháp lý thống nhất. Sau một thời gin thực hiện, Luật Quản lý thuế đã được sửa đổi bổ sung vào các năm 2012, 2014 và 2016.
Luật Quản lý thuế chỉ điều chỉnh về thủ tục hành chính thuế cũng như các quyền và nghĩa vụ chung nhất của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thuế mà không điều chỉnh về nội dung các loại thuế. Các thủ tục hành chính thuế được Luật Quản lý thuế điều chỉnh bao gồm:
- Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế,
- Ấn định thuế.
- Thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế,
- Xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
- Quản lý thông tin về người nộp thuế
- Kiểm tra thuế, thanh tra thuế.
- Xử lý vi phạm pháp luật về thuế.
- Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế.
2. Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ pháp luật thuế cũng như đáp ứng yêu cầu cải cách phương thức quản lý thuế, Luật Quản lý thuế xác định nguyên tắc quản lý thuế như sau:
- Nộp thuế theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế.
- Việc quản lý thuế phải đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.
- Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế bao gồm: thu thập thông tin, dự liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng các bộ tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; đề xuất, áp dụng các biện pháp quản lý thuế . Cơ quan quản lý thuế quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để đánh giá rủi ro về thuế, mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, lựa chọn đối tượng kiểm tra, thanh tra về thuế và hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.
- Áp dụng biện pháp ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nếu người nộp thuế đáp ứng đủ các tiêu chí về tính minh bạch theo quy định của Luật quản lý thuế.
Lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật thuế, quyền của người nộp thuế được ghi nhận cụ thể cho thấy cách tiếp cận dân chủ hơn đối với hoạt động quản lý thuế. Theo Luật Quản lý thuế, người nộp thuế có những quyền sau đây:
- Được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế.
- Yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu cơ quản hải quan xác định trước mã số, trị giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trước khi thủ tục hải quan theo quy định của Chính phủ; yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Được giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật
- Hưởng ưu đãi về thuế, được hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
- Ký hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế
- Nhận văn bản kết luật kiểm tra thuế, thanh tra thuế của cơ quan quản lý thuế; yêu cầu giải thích nội dung kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế; bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế.
- Được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình
- Khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Tổ cáo các hành vi vi phạm pháp luật của công chức quản lý thuế và tổ chức, cá nhân khác.
Bên cạnh các quyền năng được ghi nhận, người nộp thuế phải thực hiện đúng các nghĩa vụ sau đây:
- Đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.
- Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế và nộp tiền thuế đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm. Trường hợp người nộp thuế là tổ chức kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
- Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đử những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế.
- Lập và giao hóa đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
- Chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
- Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định.
Bạn đang đọc bài viết: “Pháp luật về quản lý thuế ” tại chuyên mục tin Kiến thức. Mọi chi tiết đóng góp vui lòng gửi qua thông tin sau:
thamdinhgiataisan.net@gmail.com
097 113 8889