(TDGTS- Thẩm định viên trong doanh nghiệp thẩm định giá) – Thẩm định viên là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định giá trị tài sản thẩm định giá một cách độc lập, minh bạch phục vụ nhiều mục đích cho các bên liên quan. Thẩm định viên phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, khách quan khi tiến hành thẩm định giá, đáp ứng các tiêu chuẩn của thẩm định viên về giá quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Vậy mỗi doanh nghiệp thẩm định giá cần tối thiểu bao nhiêu thẩm định viên?
Đối với một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định hiện hành thì chỉ cần có tối thiểu 3 thẩm định viên về giá.
Nhưng theo Bộ Tài chính cho rằng thì quy định này đang dẫn tới bất cập là sự phát triển nhanh về số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá trong thời gian qua. Để kiểm soát được số doanh nghiệp thẩm định giá đăng ký mới cần phải tăng số lượng tối thiểu lên 5 thẩm định viên trong một doanh nghiệp thẩm định giá.
Phát triển nhanh do quy định dễ dàng
Trong dự thảo Báo cáo Báo cáo Đánh giá tác động các chính sách đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính cho rằng, Với thực trạng hiện nay số lượng thẩm định viên là trên 2.300 thì việc doanh nghiệp thẩm định giá có tối thiểu 3 thẩm định viên, chi nhánh của doanh nghiệp thẩm định giá có tối thiểu 2 thẩm định viên để kinh doanh dịch vụ thẩm định giá là điều vô cùng dễ dàng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Theo bộ Luật Giá 2012 cũng chưa có quy định cụ thể nào về số năm kinh nghiệm hành nghề của đại diện pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá. Dẫn tới tình trạng có nhiều thẩm định viên mới được cấp thẻ thẩm định viên, chưa am hiểu thị trường, thiếu kiến thức hành nghề nhưng đã đăng ký thành lập doanh nghiệp thẩm định giá, dùng trò hạ giá dịch vụ để thu hút khách hàng nhưng chất lượng dịch vụ lại vô cùng kém.
Để khắc phục tạm thời tình trạng này, dự thảo đề xuất nâng cao điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Cụ thể, nâng số lượng của thẩm định viên về giá từ 3 lên 5 người, các thành viên góp vốn đều là thẩm định viên về giá, điều kiện của giám đốc chi nhánh tương ứng với điều kiện của giám đốc doanh nghiệp…
Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thẩm định giá VCHP chỉ ra, nay thực tế cho thấy trong 2 năm vừa qua số lượng doanh nghiệp thẩm định giá đã phát triển quá nhanh, vượt quá định hướng phát triển nghề trong giai đoạn 2013-2020.
Tính đến thời điểm hiện tại cả nước đã có hơn 400 doanh nghiệp được cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và đang hoạt động, khi đó định hướng phát triển doanh nghiệp trên cơ sở quy mô thị trường đến năm 2020 chỉ là 250 doanh nghiệp.
Phát triển nhanh chóng của doanh nghiệp thẩm định giá dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành thẩm định giá, có những cạnh tranh lành mạnh thì cũng có cả những cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Dùng nhiều cách để thu hút khách hàng như hạ giá dịch vụ thẩm định giá, cạnh tranh về tiến độ bỏ qua việc kiểm soát chất lượng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thẩm định giá…
Chất lượng dịch vụ không nằm ở số lượng thẩm định viên về giá
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại chỉ ra điều ngược lại tại bản góp ý cho dự thảo Báo cáo của mình.
Theo quy định tại Luật Giá hiện hành thì thẩm định viên về giá hành nghề “ký báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá về kết quả thẩm định giá”.
Do đó chất lượng của hoạt động thẩm định giá phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của thẩm định viên về giá.
Nếu mục tiêu chính sách hướng đến chất lượng dịch vụ của hoạt động thẩm định giá thì cần phải điều chỉnh chính sách về thẩm định viên về giá để đảm bảo năng lực của đội ngũ này,nhằm nâng cao chất lượng của báo cáo kết quả thẩm định giá cũng như chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp thẩm định giá.
Đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn về điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp thẩm định giá bằng việc tăng số lượng thẩm định viên về giá trong doanh nghiệp, yêu cầu các thành viên góp vốn đều là thẩm định viên về giá hay đặt ra điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật là chưa đủ bằng chứng thuyết phục là sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.
Số lượng thẩm định viên về giá trong một doanh nghiệp không quyết định đến chất lượng dịch vụ. Trong khi đó chịu trách nhiệm cho chất lượng của Báo cáo thẩm định vẫn là cá nhân từng thẩm định viên về giá.
Mục tiêu khác mà Bộ Tài chính hướng tới là muốn đưa ra là thu hẹp số lượng doanh nghiệp thẩm định giá để tránh những cuộc cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá dịch vụ, bỏ qua nhiều quy trình để đẩy nhanh tiến độ…
Bộ Tài chính tin rằng, việc thu hẹp số lượng doanh nghiệp thẩm định giá chọn lọc các doanh nghiệp thẩm định có uy tín, đủ năng lực sẽ làm cho khách hàng dễ dàng trong việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá có chất lượng dịch vụ thẩm định tốt.
Tuy nhiên, VCCI lại cho rằng, nếu số lượng doanh nghiệp thẩm định giá bị thu hẹp thì khách hàng sẽ ít có lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá hơn so với trước đây và có nguy cơ phải chịu chi phí tăng cao hơn trước đây, trong khi chất lượng chưa chắc được đảm bảo.
Ý kiến dự thảo tăng số thẩm định viên tối thiểu trong doanh nghiệp thẩm định giá đang gặp phải những ý kiến trái chiều khác nhau. Mong rằng trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ đưa ra được những quy định cụ thể có tác động tích cực đến thị trường thẩm định giá.
Theo markettimes.vn
Bạn đang đọc bài viết: “Tăng số thẩm định viên tối thiểu trong doanh nghiệp thẩm định giá” tại chuyên mục tin Thẩm định giá. Mọi chi tiết đóng góp vui lòng gửi qua thông tin sau:
thamdinhgiataisan.net@gmail.com
097 113 8889