Phân tích tài chính doanh nghiệp là một hoạt động rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Việc phân tích tài chính sẽ được thực hiện thông qua việc lựa chọn thông tin phân tích, tài liệu sử dụng trong việc phân tích. Sử dụng các phương pháp phân tích và kỹ thuật phân tích tài chính doanh nghiệp cho ra được sự đánh giá chính xác nhất và ra quyết định giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Phân tích tài chính doanh nghiệp là gì? Những tài liệu nào được sử dụng cho việc phân tích tài chính cùng tìm hiểu bài viết dưới đây:
1. Phân tích tài chính doanh nghiệp là gì?
Phân tích tài chính là một tập hợp các khái niệm, phương pháp và công cụ cho phép thu thập và xử lý các thông tin kế toán và các thông tin khác trong quản lý doanh nghiệp, nhằm đánh giá tình hình tài chính, khả năng và tiềm lực của doanh nghiệp, giúp người sử dụng thông tin đưa ra các quyết định tài chính, quyết định quản lý phù hợp.
Phân tích hoạt động tài chính của doanh nghiệp mà trọng tâm là phân tích các báo cáo tài chính và các chỉ tiêu đặc trưng tài chính thông qua một hệ thống các phương pháp, công cụ và kỹ thuật phân tích, giúp người sử dụng thông tin từ các góc độ khác nhau, vừa đánh giá toàn diện, tổng hợp khái quát, lại vừa xem xét một cách chi tiết hoạt động tài chính doanh nghiệp, để nhận biết phán đoán dự báo và đưa ra quyết định tài chính, quyết định tài trợ, và đầu tư phù hợp. Phân tích tài chính DN là nghệ thuật xử lý các số liệu có trong các báo cáo tài chính thành những thông tin hữu ích phục vụ cho việc ra quyết định.
Để đánh giá khái quát tình hình tài chính của công ty thông qua các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính, ta có thể tiến hành phân tích theo chiều ngang (so sánh theo chiều ngang) và phân tích theo chiều dọc (so sánh theo tỷ trọng các loại chỉ tiêu). Các báo cáo tài chính xếp thành dạng so sánh sẽ chỉ rõ các quá trình vận động, các xu thế, qua đó có thể cung cấp cho người sử dụng báo cáo những đầu mới giá trị để dự kiến các kết quả hoạt động tài chính trong tương lai.
Tiến hành phân tích theo chiều ngang là việc so sánh giữa số cuối lỳ và số đầu kỳ của từng chỉ tiêu, bằng cả số tuyệt đối và số tương đối (%), giúp các nhà phân tích biết được mức độ biến động tăng, giảm của từng chỉ tiêu và bản chất của các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới quá trình sinh lợi và trạng thái tài chính của công ty, qua đó mà rút ra được các kết luận cần thiết cho công tác quản lý. Còn phân tích theo chiều dọc là việc so sánh tỷ trọng của từng chỉ tiêu so với tổng số, giúp các nhà phân tích có cái nhìn tổng quát và có cảm nhận được ý nghĩa của biến động xảy ra.
Xem thêm >>> Nguyên tắc quản lý tài chính doanh nghiệp hiệu quả
2. Tài liệu sử dụng cho việc phân tích
Tài liệu chủ yếu sử dụng cho việc phân tích là dựa vào các báo cáo tài chính (các biểu mẫu được quy định tại Thông tư số (200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ tài chính), đây là những tài liệu quan trọng tổng hợp các số liệu tài chính của doanh nghiệp trong một giai đoạn nhất định. Theo chế độ tài chính hiện hành, các báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp gồm:
- Bảng Cân đối kế toán (mẫu B01) : Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát tài sản hiện có và nguồn vốn để hình thành các tài sản của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (mẫu B02): Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là một báo cáo tài chính tổng hợp phản ánh một cách tổng quát tình hình và kết quả kinh doanh trong một kỳ kế toán.
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (mẫu B03): Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một báo cáo tài chính tổng hợp phản ánh tình hình thu – chi tiền tệ được phân loại theo ba hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính trong một thời kỳ nhất định.
- Bản thuyết minh báo cáo tài chính (mẫu B09): Thuyết minh báo cáo tài chính là một bộ phận hợp thành Hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp, giải thích và bổ sung thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo mà các báo cáo không thể trình bày rõ và chi tiết.
Bạn đang đọc bài viết: “Phân tích tài chính doanh nghiệp là gì? Tài liệu sử dụng cho việc phân tích” tại chuyên mục tin Tài chính. Mọi chi tiết đóng góp vui lòng gửi qua thông tin sau:
thamdinhgiataisan.net@gmail.com
097 113 8889