Trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp

(TDGTS- Tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp)- Trái phiếu doanh nghiệp là gì không phải một câu hỏi mới, nhưng luôn khiến nhiều nhà đầu tư mới băn khoăn. Không ít người lầm tưởng trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu chính phủ.  Trên thực tế 2 sản phẩm đầu tư này hoàn toàn khác nhau, bài viết dưới đây sẽ chỉ rõ trái phiếu doanh nghiệp là gì? Tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp.

1. Trái phiếu doang nghiệp là gì?

Trái phiếu là một sản phẩm tài chính mà một tổ chức phát hành (chính phủ hoặc doanh nghiệp) để huy động nguồn vốn vay từ nhà đầu tư. Tổ chức phát hành có nghĩa vụ thực hiện các cam kết nợ, bao gồm thanh toán lãi suất định kỳ và hoàn lại số tiền đầu tư ban đầu khi đến kỳ đáo hạn.

Từ định nghĩa trên, ta có thể liên hệ đơn giản rằng, trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi nợ. Doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán cả lãi lẫn gốc cho chủ sở hữu trái phiếu khi đến kỳ hạn. Khi bạn mua trái phiếu của một công ty nào đó thì lúc này, bạn đang là chủ nợ của họ.

Trái phiếu doanh nghiệp được chia làm 2 loại như sau:

– Trái phiếu niêm yết: Là loại trái phiếu được đăng ký và lưu ký đầy đủ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán, đồng thời được giao dịch rộng rãi trên các sàn tập trung như HNX và HSX. Toàn bộ quá trình giao dịch đều phải dựa trên các quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán.

– Trái phiếu OTC: Hay còn gọi là trái phiếu phi tập trung, được giao dịch trên thị trường OTC. Giao dịch không bị ràng buộc bởi các chính sách pháp lý mà dựa trên những thỏa thuận mua bán riêng giữa các nhà đầu tư.

2. Tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp

2.1 Chất lượng tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp

Ở thị trường Việt Nam, thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI về tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp cho thấy chất lượng tài sản đảm bảo còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác khi hầu hết phát hành đều không có tài sản đảm bảo.

Các trái phiếu doanh nghiệp còn lại được phát hành trong 9 tháng năm 2021 có 36,2% được đảm bảo bằng một phần tài sản/bất động sản và một phần là cổ phiếu/cổ phần, 20,4% được bảo đảm bằng bất động sản, 9,5% được đảm bảo bằng tài sản, 6,7% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 17,1% là không có tài sản đảm bảo.

Trong nhóm trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành.

Nếu tính riêng  các trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu thì con số này là hơn 140 nghìn tỷ đồng, chiếm tới  67% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành trong 9 tháng năm  2021.

Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành phân theo tài sản đảm bảo trong 9 tháng năm 2021 (không bao gồm trái phiếu ngân hàng và các định chế tài chính khác). Nguồn: SSI

Tỷ trọng các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành của  9 tháng năm 2021.

Trong đó có một số lượng lớn là doanh nghiệp không niêm yết nên khả năng tiếp cận các thông tin tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế.

Đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần lưu ý rằng việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa.

Khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Có thể quan tâm:

2.2 Phát hành trái phiếu mới để trả gốc và lãi của trái phiếu cũ

Trong thời gian qua, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán.

Một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.

Trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi nhiều vào năm 2023 – 2024.

Tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các doanh nghiệp này khi không thể kiểm soát được dòng tiền khiến dòng tiền bị mất cân đối.

Nguy cơ này có thể nhìn thấy ở các doanh nghiệp bất động sản khi  thanh khoản của thị trường bất động sản có xu hướng giảm. Điều đó cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần.

Các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh, hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến… Những yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu của doanh nghiệp.

Tình trạng sẽ ngày càng tệ hơn khi nhiều trường hợp doanh nghiệp phải phát hành thêm trái phiếu để có thể thanh toán nợ gốc và lãi của các khoản trái phiếu cũ trước đó.

2.3 Siết chặt việc đảm bảo thanh toán

Sau sự kiện Evergrande, SSI cũng dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ kém sôi động hơn trong quý 4 khi Bộ Tài chính đã thực hiện một số biện pháp kiểm tra mạnh tay hơn để giám sát thị trường.

Cụ thể, trong  tháng  10/2021, Bộ Tài chính đã chỉ đạo kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.

Việc kiểm tra diễn ra trong bối cảnh thị trường gần đây có hiện tượng các nhà đầu tư “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.  Mục đích là để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua phân phối của công ty chứng khoán hoặc ngân hàng thương mại.

Đáng lo ngại là các nhà đầu tư này chưa nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Bộ Tài Chính cũng đã cho rà soát lại một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, tình hình tài chính yếu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ vỡ nợ trên thị trường…

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Dự thảo thông tư được xây dựng theo hướng siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đáng  chú  ý, dự thảo đưa ra quy định: “Trái phiếu của công ty không phải công ty đại chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn”.

Bạn đang đọc bài viết: Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp tại chuyên mục tin Tài chính. Mọi chi tiết đóng góp vui lòng gửi qua thông tin sau:

thamdinhgiataisan.net@gmail.com

  097 113 8889

  www.thamdinhgiataisan.net