Tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai là gì? Hình thức giải quyết tranh chấp đất đai

(TDGTS – Giải quyết tranh chấp đất đai)- Nhằm hạn chế tình trạng những tranh chấp khi đưa ra giải quyết đã đi đến giai đoạn khó khăn, phức tạp, tốn nhiều công sức, tiền của, gây bất lợi đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất. Các bạn cần tìm hiểu rõ các khái niệm về tranh chấp đất đai, và các hình thức giải quyết tranh chấp.

Cùng với sự phát triển kinh tế chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đất đai ngày càng có vai trò quan trọng và là một loại hàng hóa đặc biệt bởi nhu cầu sử dụng cần thiết. Dẫn tới việc xảy ra có nhiều tranh cấp liên quan đến đất đai ngày càng phức tạp và đa dạng. Nhà nước sử dụng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ đất đai nhằm tạo lập một hành lang pháp lý lành mạnh cho hoạt động khai thác và sử dụng đất hợp lý và có hiệu quả. Đồng thời, cũng là cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết dứt điểm và có hiệu quả những tranh chấp đất đai nảy sinh trong quá trình sử dụng và quản lý đất.

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tính phức tạp, gay gắt của tranh chấp đất đai không chỉ dừng lại ở khía cạnh tranh chấp dân sự mà còn có thể dẫn đến các vụ án hình sự, thậm chí còn mang tính chính trị, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Vì vậy, thẩm định giá đất đai tranh chấp có vai trò vô cùng quan trọng phục vụ mục đích đảm bảo quyền lợi của các bên tranh chấp tranh chấp theo đúng pháp luật. Mục đích cơ bản thẩm định giá đất đai bao gồm: Giải quyết bất đồng, bảo vệ quyền cho các chủ thể có quyền sử dụng đất hợp pháp; Duy trì ổn định trật tự xã hội; Thể hiện vai trò quản lý của nhà nước về đất đai.

Có thể bạn quan tâm: 

1. Tranh chấp đất đai là gì?

Khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định: Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

 Theo đó, có thể hiểu tranh chấp đất đai là việc có ít nhất từ 2 cá nhân, hoặc tổ chức không thống nhất được với nhau về quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai dẫn đến tranh chấp với nhau về quyền và nghĩa vụ đó, đối tượng tranh chấp đất đai rất rộng như tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp quyền thuê, tranh chấp về thuế, tranh chấp về giải phóng mặt bằng, tranh chấp về thừa kế đất đai, tranh chấp tài sản vợ chồng v…v…v, do đất đai là tài sản có giá trị lớn vì vậy việc phát sinh tranh chấp đất đai diễn ra rất nhiều và phức tạp.

 Tranh chấp đất đai là một trong những loại tranh chấp phổ biến nhưng thủ tục giải quyết lại vô cùng phức tạp. Đặc biệt đối với những vụ kiện tụng tranh chấp đất đai thì việc chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện là rất quan trọng để việc xác minh được thực hiện dễ dàng hơn. Tuy nhiên một khó khăn lớn đối với đa số những chủ thể tham tranh tụng là không biết nên tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự, thủ tục như thế nào?

2. Đặc điểm tranh chấp đất đai

– Giải quyết tranh chấp đất đai là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để giải quyết một tranh chấp, các chủ thể có thể sử dụng nhiều biện pháp như tự thương lượng, thỏa thuận với nhau. Pháp luật đất đai không quan tâm cách thức họ thỏa thuận thế nào, thương lượng ra sao mà chỉ đưa ra các quy định điều chỉnh hoạt động giải quyết tranh chấp khi có sự tham gia của cơ quan nhà nước vào việc giải quyết đó mà thôi. Điều này nhằm thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước với tự do ý chí, tự do định đoạt của các chủ thể và Nhà nước sẽ cung cấp một công cụ giải quyết tranh chấp cho họ nếu như họ không có được sự thống nhất. Một khi đã có sự tham gia của cơ quan nhà nước thì các quy phạm pháp luật về giải quyết tranh chấp là cần thiết, bởi lẽ có những quy phạm pháp luật này thì người dân cũng như chính cơ quan nhà nước mới biết chủ thể nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và giải quyết theo trình tự, thủ tục gì.

– Đối tượng của hoạt động giải quyết tranh chấp là tranh chấp đất đai, trong đó các đương sự yêu cầu cơ quan nhà nước xác định rõ những quyền và nghĩa vụ của các bên đối với khu đất đang bị tranh chấp.

– Hệ quả pháp lý của việc giải quyết tranh chấp là quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đất đai sẽ được làm rõ bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

– Đề cao hòa giải, huy động đoàn thể địa phương tham gia.

– Liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, như: nhà, xây dựng…

– Cần phải hiểu phong tục, tập quán địa phương để có cách giải quyết thỏa đáng.

3. Thủ tục khi giải quyết tranh chấp

– Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất phải hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu muốn khởi kiện hoặc đề nghị UBND cấp có thẩm quyền (cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết tùy thuộc từng trường hợp).

Nói cách khác, nếu không hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn tại nơi có đất sẽ không được khởi kiện luôn tại Tòa án hoặc không được đề nghị UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết.

– Được khởi kiện luôn tại Tòa án nếu là những tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất (tranh chấp liên quan đến đất đai) như:

  • Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất;
  • Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cho thuê lại quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
  • Tranh chấp chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng.

4. Hình thức giải quyết tranh chấp đất đai

Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất mà không thành thì được giải quyết như sau:

– Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.

– Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết như sau:

  • Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền (cấp tỉnh hoặc cấp huyện tùy theo chủ thể tranh chấp).
  • Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

 Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

Tranh chấp đất đai xảy ra thường xuyên trong xã hội ngày nay đây là điều không bên nào mong muốn. Khi xảy ra tranh chấp đất đai, các bên nên thỏa thuận hoặc hòa giải để giải quyết. Trường hợp không hòa giải được mà chọn phương án giải quyết là khởi kiện tại tòa án thì các bên đương sự cần phải xem xét kỹ các nội dung kiện. Thời gian khởi kiện để giải quyết tranh chấp đất đai thường kéo dài và việc thẩm định giá trị đất đai tranh chấp để khởi kiện là việc bắt buộc là căn cứ để pháp luật xét xử. Vì vậy các công ty thẩm định giá, thẩm định viên có vai trò quan trọng, cần thiết trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.

Theo thamdinhgiathanhdo.vn

Bạn đang đọc bài viết: Tranh chấp đất đai là gì? Hình thức giải quyết tranh chấp đất đai tại chuyên mục tin Bất động sản. Mọi chi tiết đóng góp vui lòng gửi qua thông tin sau:

thamdinhgiataisan.net@gmail.com

  097 113 8889

  www.thamdinhgiataisan.net