Thủ tục hành chính thuế

Thủ tục hành chính thuế

Các thủ tục hành chính thuế cơ bản là đăng ký thuế, khai thuế, kiểm tra và thành tra thuế. Ngoài những thủ tục này, Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan còn quy định nhiều thủ tục khác như ấn định thuế, xử lý vi phạm hành chính thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, khiếu nại và tố tụng tranh chấp thuế v.v.

1. Đăng ký thuế

Đăng ký thuế là hành vi pháp lý của chủ thể nộp thuế nhằm thiết lập quan hệ quản lý thuế giữa chủ thể nộp thuế với nhà nước. Về mặt thủ tục, đăng ký thuế là việc người nộp thuế kê khai những thông tin của người nộp thuế theo mẫu quy định và nộp tờ khai cho cơ quan quản lý thuế để bắt đầu thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước theo các qui định của pháp luật. Dưới góc độ pháp luật, đăng ký thuế là nghĩa vụ pháp lý của chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế. Nếu thuộc diện nộp thuế mà không thực hiện nghĩa vụ đăng ký thuế là vi phạm pháp luật quản lý thuế.

Đối tượng thuộc diện đăng ký thuế phải đăng ký thuế theo mẫu quy định với cơ quan thuế và thực hiện việc khai thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc thời điểm xuất hiện sự kiện pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký thuế, chủ thể đăng ký thuế sẽ được cấp chứng nhận đăng ký thuế. Cơ quan Thuế có trách nhiệm cấp chứng nhận đăng ký thuế chậm nhất không quá 5 ngày làm việc đối với các hồ sơ đăng ký thuế nộp trực tiếp tại các Cục thuế và 10 ngày đối với hồ sơ nộp thuế trực tiếp tại các Chi cục thuế, tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký thuế (không tính thời gian chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ do người nộp thuế kê khai sai sót).

2. Khai thuế

Khai thuế là nghĩa vụ do pháp luật quy định đối với chủ thế nộp thuế nhằm xác định số thuế phải nộp với cơ quan quản lý thuế, và sau đó, chủ thể nộp thuế sẽ tiến hành nộp thuế thep quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, chủ thể nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các loại chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế theo đúng thời hạn luật định .

Việc khai thuế và tính thuế được thực hiện theo những nguyên tắc cơ bản sau đây:

  • Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các loại chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.
  • Người nộp thuế tự tính số thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy điịnh của Chính phủ.
  • Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và sự thống nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế theo thỏa thuận đơn phương, song phương và đa phương giữa cơ quan thuế, người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ có liên quan.

Nguyên tắc “tự khai, tự nộp thuế”  mà pháp luật quy định như trên là một bước tiến lớn trong hoạt động quản lý thuế tại Việt Nam, theo đó, quản lý thuế được chuyển từ việc quản lý việc thu thuế sang quản lý việc nộp thuế. Đồng thời, nguyên tắc này cũng đảm bảo tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.

Người nộp thuế thực hiện việc nộp thuế theo thời hạn do pháp luật quy định. Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp cơ quan thuế tính thuế hoặc ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế. Đối với các khoản thu từ đất đai, lệ phí trước bạ thì thời hạn nộp thuế theo quy định của Chính phủ và pháp luật có liên quan.

Người nộp thuế thực hiện nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt liên quan đến thuế vào ngân sách nhà nước theo những cách sau đây:

  • Nộp thuế trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước;
  • Nộp thuế thông qua tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật;
  • Nộp thuế tại cơ quan thuế;
  • Thông qua tổ chức được cơ quan quản lý ủy nhiệm thu thuế.

Cơ quan quản lý thuế được mở tài khoản chuyên thu tại tổ chức tín dụng để tập trung các nguồn thu về thuế, tiền chậm nộp,  tiền phạt và các khoản thu khác của người nộp thuế, trừ trường hợp người nộp thuế trực tiếp tại Kho bạc nhà nước. Cuối ngày làm việc, tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế ở tài khaorn chuyên thu tại tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng phải chuyển nộp ngân sách nhà nước.

Xem thêm >>> Thuế thu nhập cá nhân là gì? Đối tượng nộp thuế TNCN là ai?

3. Kiểm tra thuế

Kiểm tra thuế là hành vi của cơ quan quản lý thuế với mục đích xác minh các thông tin liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế để từ đó đánh giá mức độ chập hành pháp luật thuế của chủ thể nộp thuế. Kiểm tra thuế được tiến hành tại trụ sở cơ quan quản lý thuế hoặc tại trụ sở của chủ thể nộp thuế.

Kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế được thực hiện thường xuyên đối với các hồ sơ thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế, sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế. Khi kiểm tra hồ sơ thuế, công chức quản lý thuế, công chức quản lý thuế thực hiện việc đối chiếu, so sánh nội dung trong hồ sơ thuế với các thông tin, tài liệu có liên quan, các quy định của pháp luật về thuế, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết đối với hàng hòa xuất khẩu, nhập khẩu.

Việc kiểm tra thuế có thế được tiến hành tại trụ sở của người nộp thuế trong những trường hợp cơ quan quản lý thuế không chập nhận việc giải trình, bổ sung của người nộp thuế hoặc thấy cần xác minh thêm thông tin.

Việc kiểm tra cũng có thể được tiến hành với đối tượng kiểm tra theo tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế qua phân tích, đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế, kiểm tra đối với trường hợp có phát sinh dấu hiện vi phạm pháp luật và các trường hợp được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề kiểm tra do thủ trưởng cơ quan quản lý thuế cấp trên quyết định. Đối với các trường nêu tại điểm này, cơ quan quản lý thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá một lần trong một năm.

Việc kiểm tra thuế phải được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định trên cơ sở tôn trọng hoạt động bình thường của chủ  thể bị kiểm tra. Chủ thể bị kiểm tra thuế phải có nghĩa vụ chấp hành quyết định kiểm tra, nhưng đồng thời cũng có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu thấy quyền lợi chính đáng của mình bị xâm hại.

4. Thanh tra thuế

Thanh tra thuế được xem là hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan quản lý thuế nhằm xác minh một nội dung cụ thể trong quan hệ pháp luật thuế. Mục đích của hoạt động thanh tra thuế là nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật thuế, đảm bảo lợi ích hợp pháp của nhà nước và các chủ thế có liên quan trong quan hệ pháp luật thuế.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, việc thanh tra thuế được thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Thanh tra định kỳ một năm không quá một lần đối với doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng.
  • Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế.
  • Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp có thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế. Thời gian để tiến hành một lần thanh tra thuế không quá 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thành tra thuế và có thể được gia hạn không quá 30 ngày trong những trường hợp cần thiết.

Đối tượng thanh tra có nghĩa vụ chấp hành quyết định thanh tra thuế, đồng thời phải cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế. Đối tượng thanh tra có quyền từ chối cung cấp những thông tin thuộc bí mật nhà nước, những thông tin vượt quá nội dung thành tra, có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh thuế của Đoàn thành tra, người ra quyết định thanh tra thuế phải có văn bản kết luận thanh tra thuế. Kết luận thanh tra thuế phải có các nội dung sau đây:

  • Đánh giá việc thực hiện pháp luật về thuế của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra thuế
  • Kết luận về nội dung được thanh tra thuế;
  • Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có);
  • Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết: Một số thủ tục hành chính thuế cơ bản tại chuyên mục tin Kiến thức. Mọi chi tiết đóng góp vui lòng gửi qua thông tin sau:

Email: thamdinhgiataisan.net@gmail.com

Hotline: 097 113 8889

Website: www.thamdinhgiataisan.net