Giá trị của doanh nghiệp

(TDGTS- Giá trị doanh nghiệp)- Giá trị doanh nghiệp có thể hiểu là các biểu hiện bằng tài chính từ toàn bộ các khoản thu nhập các nhà đầu tư thu được từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

1. Khái niệm giá trị doanh nghiệp

Theo Học thuyết giá trị của Karl Marx: hàng hóa có 2 thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị. Trong đó, giá trị sử dụng phản ánh những công dụng hay thuộc tính hữu ích của hàng hóa đem lại cho người sử dụng, còn giá trị phản ánh mức hao phí lao động xã hội cần thiết kết tinh trong hàng hóa, giá trị hàng hóa chỉ được biểu hiện thông qua trao đổi và được phản ánh ở mức giá cả trên thị trường. Tuy nhiên, theo một số nhà kinh tế thì giá một số hàng hóa hầu như không có mối quan hệ gì với chi phí cần thiết để sản xuất ra chúng, nên họ đưa ra những căn cứ và nguyên tắc cho việc sử dụng các khoản thu nhập trong tương lai để xác định giá trị hiện tại của một tài sản, trong đó có doanh nghiệp.

Theo cách tiếp cận giá trị về mặt lợi ích: Giá trị doanh nghiệp là tổng hiện giá của tất cả thu nhập có khả năng mang lại trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Khái niệm trên mới mang tính chung chung vì chưa xác định rõ đối tượng nhận thu nhập là ai. Chính vì vậy, nếu đối tượng nhận thu nhập là tổng thể các chủ thể có quyền đối với doanh nghiệp (cả chủ sở hữu và chủ nợ) thì sẽ tính ra giá trị doanh nghiệp tổng thể, còn nếu chủ thể nhận thu nhập là chủ sở hữu thì sẽ tính ra giá trị doanh nghiệp đối với chủ sở hữu (hay thường được gọi là giá trị phần vốn chủ sở hữu). Chính vì vậy, trên thị trường hiện nay đang tồn tại cả 2 khái niệm giá trị doanh nghiệp: Giá trị tổng thể doanh nghiệp và giá trị doanh nghiệp đối với chủ sở hữu. Như trên đã trình bày, theo cách tiếp cận lợi ích 2 khái niệm này được hiểu như sau:

Giá trị doanh nghiệp đối với chủ sở hữu (thường được gọi là giá trị phần vốn chủ sở hữu) là sự biểu hiện bằng tiền về các khoản thu nhập tương lai mà doanh nghiệp mang lại cho chủ sở hữu trong quá trình sản xuất kinh doanh.

 Giá trị tổng thể doanh nghiệp là sự biểu hiện bằng tiền về các khoản thu nhập tương lai mà doanh nghiệp mang lại trong quá trình sản xuất kinh doanh.

2. Các yếu tố tác động đến giá trị doanh nghiệp

Như đã đề cập đến ở trên, khi nói đến giá trị doanh nghiệp, người ta thường nhắc đến giá trị doanh nghiệp dưới hai hình thức: giá trị doanh nghiệp đối với chủ sở hữu (giá trị vốn chủ sở hữu) và giá trị tổng thể doanh nghiệp. Giá trị doanh nghiệp được đo lường bằng các khoản thu nhập mà doanh nghiệp mang lại, như vậy, để xác định giá trị doanh nghiệp, ta phải đo lường được các khoản thu nhập mà doanh nghiệp mang lại, tuy nhiên doanh nghiệp có thể tạo ra thu nhập hay không và độ lớn của thu nhập như thế nào lại tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, để có thể đánh giá tương đối chính xác giá trị của doanh nghiệp, thì trước hết cần phải nhận dạng được các yếu tố tác động tới giá trị doanh nghiệp, sau đó phải phân tích được chiều hướng và mức độ tác động của từng yếu tố tới giá trị doanh nghiệp. Khi xem xét các yếu tố tác động, người ta thường để cập tới các yếu tố sau:

2.1 Các yếu tổ thuộc về môi trường kinh doanh

a) Môi trường kinh doanh tổng quát

 – Môi trường kinh tế

Hoạt động của doanh nghiệp bao giờ cũng gắn liền với một bối cảnh kinh tế nhất định. Bối cảnh kinh tế đó được nhìn nhận thông qua hàng loạt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như: tốc độ tăng trưởng, chỉ số giá cả, tỷ giá ngoại tệ, chi số chứng khoán.. Mỗi sự thay đổi nhỏ của yếu tố này cũng sẽ ảnh hưởng tới giá trị doanh nghiệp. Hơn nữa, khi nói đến yếu tố kinh tế, thường người ta hay để cập đến các yêu tố tác động đến cung và cầu về hàng hóa, dịch vụ. Do đó, khi tương quan cung cầu về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp thay đổi sẽ tác động đến việc hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tác động đến giá trị doanh nghiệp.

– Môi trường chính trị

Môi trường chính trị có sự gắn bó chặt chẽ, tác động trực tiếp đên hoạt động của doanh nghiệp, các yếu tố trong môi trường này thường được để cập tới đó là:

+ Quan điểm tư tưởng của Nhà nước đối với sản xuất kinh doanh…;

+ Tính đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng và chi tiết của hệ thống luật pháp;

+ Năng lực hành pháp của Chính phủ và ý thức chấp hành pháp luật của các công dân và các tổ chức sản xuất.

– Môi trường văn hoá – xã hội

Các yếu tố ảnh hưởng tới giá trị doanh nghiệp thuộc môi trường này thường được nhắc đến, bao gồm: những quan niệm, tư tưởng của cộng đồng về lối sống, đạo đức; cơ cấu dân cư, giới tính, độ tuổi, mật độ, sự gia tăng dân số, thu nhập bình quân đầu người, ô nhiễm môi trường…

– Môi trường khoa học – công nghệ

Khoa học – công nghệ đang làm thay đổi một cách căn bản các điều kiện về quy trình công nghệ và phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng tới giá trị doanh nghiệp.

b) Môi trường đặc thù

– Khách hàng

Thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng. Khi cạnh tranh trên thị trường diễn ra ngày càng gay gắt, thì việc thu hút và giữ chân khách hàng là rất khó khăn; do đó xây dựng mạng lưới khách hàng là việc rất quan trọng để có được những khách hàng trung thành của doanh nghiệp. Phân tích khách hàng là yếu tố quyết định để xem xét khả năng phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động cần phải xác định tính chất, mức độ bền vững và uy tín của doanh nghiệp trong quan hệ với khách hàng.

– Nhà cung cấp

 Trong hoạt động của mình, các doanh nghiệp thường phải trông đợi vào sự cung cấp từ phía bên ngoài các loại nguyên, nhiên vật liệu… Tính ổn định của nguồn cung cấp có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt.

– Các hãng cạnh tranh

Hoạt động trong nền kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn các yếu tố cạnh tranh, sự quyết liệt trong cạnh tranh được coi là mối nguy cơ trực tiếp đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Đối thủ cạnh tranh là một tổ chức bất kỳ cung ứng, hay trong tương lai có thể cung ứng những sản phầm và dịch vụ có mức độ lợi ích tưong tự hay ưu việt hơn cho khách hàng. Áp lực cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm cách làm cho sản phẩm của mình khác với các đối thủ cạnh tranh.

– Các cơ quan Nhà nước

Dù quốc gia nào đi nữa, hoạt động của doanh nghiệp ít nhiều cũng đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước như: cơ quan thuế, hải thanh tra… Tạo dựng mối quan hệ tốt là một động lực cho doanh nghiệp phát triển.

2.2 Các yếu tổ thuộc về nội tại doanh nghiệp

a) Yếu tố thuộc về sản phẩm, thị trường và chiến lược kinh doanh

Sản phẩm, thị trường, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đóng vai trò quan trong trong việc quyết định doanh thu của doanh nghiệp. Do đó, thẩm định viên cần đánh giá cẩn thận để có thể ước tính doanh thu chính xác, trên cơ sở đó có thể ước tính giá trị doanh nghiệp phù hợp.

– Sản phẩm

Nếu doanh nghiệp kinh doanh nhiều sản phẩm, thẩm định viên cần đánh giá lần lượt từng sản phẩm, sau đó căn cứ vào mức độ đóng góp của mỗi sản phẩm đối với doanh nghiệp để xác định vị thế của doanh nghiệp trên thương trường. Khi đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp, cần đánh giá trên các mặt như: tầm quan trọng, chu kỳ đời sống, tiềm năng phát triển, chất lượng và uy tín của nhãn hiệu. Thông qua những đánh giá này, thẩm định viên có thể nhận thấy vị thế của doanh nghiệp thông qua sản phẩm.

– Thị trường

Đánh giá mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường trong nước, nước ngoài; từ đó đánh giá được thị phần, thị trường của doanh nghiệp trên thương trường trong nước và quốc tế. Đây là cơ sở để đánh giá sức mạnh thương hiệu của doanh nghiệp tác động đến thị trường như thế nào.

– Chiến lược kinh doanh

Muốn thành công trong kinh doanh, các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh cụ thể trong từng giai đoạn nhất định nhằm đạt đuợc hiệu quả kinh doanh cao nhất. Vì vậy, các thẩm định viên cần đánh giá chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, đây là cơ sở để hình thành giá trị của doanh nghiệp; đó là: chiến lược sản phẩm, chiến hlược giá, chiến lược phân phối và chiến lược hỗ trợ bán hàng.

b) Yếu tố thuộc vể quản trị doanh nghiệp

Một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc quản trị doanh nghiệp. Thẩm định viên cần đánh giá việc quản trị doanh nghiệp trên các mặt sau: loại hình doanh nghiệp; cơ cấu tổ chức; công nghệ, thiết bị hiện tại của doanh nghiệp và nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để hình thành giá trị của doanh nghiệp.

– Loại hình doanh nghiệp

Các loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Thẩm định viên cần đánh giá chiến lược lựa chọn loại hình doanh nghiệp có phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp hay không và việc chuyển đổi loại hình sở hữu của doanh nghiệp có phù hợp với các quy luật phát triển của doanh nghiệp hay không. Điều này cũng tác động đến cơ cấu giá trị vốn chủ sở hữu và giá trị doanh nghiệp.

– Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp  

Tổ chức là quá trình sắp xếp và bố trí các công việc, giao quyền hạn và phân phối các nguồn lực của tổ chức sao cho chúng đóng góp một cách tích cực và có hiệu quả vào mục tiêu chung của doanh nghiệp. Tổ chức có nội dung rất rộng liên quan đến công tác xây dựng một doanh nghiệp như:

+ Xây dựng và tổ chức bộ máy quản lý doanh nghiệp: có bao nhiêu cấp quản lý, tổ chức các phòng ban chức năng, phân công trách nhiệm và quyền hạn của phòng ban cũng như của mỗi cá nhân…;

+ Xây dựng hệ thống sản xuất và kinh doanh: có những bộ phận sản xuất kinh doanh nào, phân công chức năng và nhiệm vụ của từng bộ phận…

– Công nghệ thiết bị của doanh nghiệp

Đánh giá công nghệ thiết bị của doanh nghiệp trên các mặt sau: công nghệ hiện tại của doanh nghiệp là lạc hậu hay hiện đai; công suất máy móc thiết bị của doanh nghiệp; sự tác động của công nghệ đến môi trường; chiến lược đổi mới công nghệ của doanh nghiệp

 – Nguồn nhân lực

Nhân lực luôn được xem là một yếu tố tạo nên sự thành công của doanh nghiệp, đây là những lợi thế để hình thành nên giá trị vô hình của doanh nghiệp.

Để đánh giá nguồn nhân lực của doanh nghiệp là tốt hay không thì thẩm định viên cần đánh giá trên các mặt sau: văn hoá của doanh nghiệp thể hiện qua triết lý kinh doanh, chính sách phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp, tiềm năng nhân sự của doanh nghiệp…, đặc biệt đó là:

+ Trình độ người lao động: Trình độ người lao động không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn có thể làm giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Với ý nghĩa đó, khi đánh giá khả năng tồn tại và phát triển, khå năng sáng tạo ra lợi nhuận, cần thiết phải xét đến trình độ kỹ thuật và tay nghề của người lao động, coi chúng như một yếu tố nội tại quyết định đến giá trị của doanh nghiệp.

 + Năng lực quản trị kinh doanh: Năng lực quản trị kinh doanh thường được đánh giá trên cơ sở việc thực hiện các chức năng quản trị, như: hoạch định, tổ chức, phối hợp, điều khiển, kiểm tra… Rõ ràng, năng lực quản trị kinh doanh tốt là một nhân tố có tính quyết định đến chiêu hướng phát triển, cũng như khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

c) Yếu tố thuộc về vị trí kinh doanh

Mục đích hoạt động của doanh nghiệp là kinh doanh, mà kinh doanh lại luôn gắn liền với vị trí cụ thể. Vị trí kinh doanh được đặc trưng bởi các yếu tố như địa điểm, địa hình, địa lý, môi trường văn hoá, an ninh – xã hội, các đặc điểm về điều kiện giao thông, diện tích kinh doanh của trụ sở chính, cũng như của các chi nhánh. Vì vậy, có lợi thế về vị trí kinh doanh có ý nghĩa quan trọng đôi với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển.

d) Yếu tố thuộc về các chi tiêu tài chính doanh nghiệp

Thông qua phân tích các chỉ tiêu tài chính, thẩm định viên có thể xác định tình hình tài chính của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Các chỉ tiêu tài chính cũng tạo điều kiện cho việc so sánh “sức khỏe” của doanh nghiệp giữa các thời kỳ và so sánh với các doanh nghiệp khác hay giá trị trung bình của ngành.

Bạn đang đọc bài viết: Giá trị doanh nghiệp là gì?  tại chuyên mục tin Kinh doanh. Mọi chi tiết đóng góp vui lòng gửi qua thông tin sau:

thamdinhgiataisan.net@gmail.com

  097 113 8889

  www.thamdinhgiataisan.net