(TDGTS- Xác định giá trị của doanh nghiệp) – Xác định giá trị doanh nghiệp là một lĩnh vực quan trọng của hoạt động thẩm định giá tài sản hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ. Xác định giá trị doanh nghiệp hay còn gọi là thẩm định giá doanh nghiệp được hiểu và thừa nhận một cách rộng rãi là việc điều tra chi tiết và đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp nhằm xác định giá trị hiện hữu gồm tài sản hữu hình, tài sản vô hình, tài sản tài chính và tiềm năng của một doanh nghiệp.
1. Đối tượng xác định giá trị doanh nghiệp
Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế được sự thừa nhận về mặt pháp luật triên một số tiêu chuẩn nhất định. Theo điều 1 Luật doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế, có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh. Về mô hình tổ chức, doanh nghiệp bao gồm các loại: Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phân, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước.
Đối tượng áp dụng xác định giá trị DN là các công ty đã và đang chuẩn bị cổ phần hóa; các công ty dự kiến sẽ có những thay đổi đáng kể về quyền sở hữu hoặc cơ cấu vốn của công ty: mua bán – sáp nhập (M&A), liên doanh, liên kết, chuyển nhượng vốn, đầu tư, mua bán công ty hoặc nhượng quyền kinh doanh, vay vốn các tổ chức tín dụng…; các công ty chuẩn bị phát hành trái phiếu lần đầu tiên ra công chúng hoặc các công ty đang trên đà phát triển và mở rộng quy mô hoạt động, hoặc có sự thay đổi về tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2. Vì sao phải xác định giá trị doanh nghiệp
Với sự phát triển vô cùng mạnh mẽ nền kinh tế thị trường thì xác định giá trị DN và các lợi ích của nó ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Xác định giá trị doanh nghiệp cung cấp bức tranh tổng quát về giá trị của một doanh nghiệp, là cơ sở quan trọng phục vụ cho đối tượng sử dụng kết quả thẩm định giá đưa ra quyết định hợp lý, đúng đắn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư và mua bán minh bạch trên thị trường, trong các vấn đề chủ yếu sau:
- Xác định giá trị doanh nghiệp giúp doanh nghiệp có những giải pháp cải tiến quản lý cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Là cơ sở để giải quyết, xử lý tranh chấp nảy sinh giữa các cổ đông của doanh nghiệp khi phân chia cổ tức, góp vốn, vi phạm hợp đồng,…
- Xác định giá trị DN là cơ sở cho các tổ chức, cá nhân và công chúng đầu tư đưa ra quyết định mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán do doanh nghiệp phát hành trên thị trường tài chính; cũng như là cơ sở để sáp nhập, chia tách, giải thể, thanh lý, liên doanh,… doanh nghiệp.
- Xác định giá trị doanh nghiệp để nhằm trợ giúp cho quá trình chuyển đổi cơ cấu về vốn chủ sở hữu. Đầu tiên, cổ đông hoặc nhà đầu tư muốn nắm bắt một cách chi tiết về tình hình hiện tại của công ty trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Họ muốn biết các cơ hội và tiềm năng phát triển cho tương lai của doanh nghiệp.
- Xác định giá trị doanh nghiệp giúp chuẩn bị cho việc phát hành trái phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Thị trường Chứng khoán áp đặt một số yêu cầu và quy tắc nhất định về chủng loại thông tin mà công ty buộc phải công khai trong các văn bản IPO (được gọi là Bản cáo bạch). Quy trình “Xác định giá trị doanh nghiệp” phải xác định và chỉ ra được hoạt động cốt lõi của công ty và các cơ hội cũng như các nhân tố rủi ro. Thành công của IPO phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chuẩn bị. Thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng này, các bên liên quan tới IPO có thể sẽ phải đương đầu với những khó khăn và công ty có thể bị giảm giá trị một cách đáng kể khi niêm yết, do đó sẽ ảnh hưởng xấu tới lợi ích của các chủ sở hữu.
- Xác định giá trị doanh nghiệp giúp cải thiện tình hình hoạt động chung của công ty trước thực trạng hoạt động kém hiệu quả. Quá trình xác định giá trị doanh nghiệp sẽ đánh giá một cách khách quan các điểm mạnh và điểm yếu của công ty. Bằng việc xác định và chỉ ra những vấn đề hoặc các khu vực thể hiện rõ nhất các điểm yếu của công ty, quá trình “Xác định giá trị Doanh nghiệp” là một công cụ nhằm giúp công ty đánh giá một cách khách quan hoặc “mở khoá” các cơ hội/tiềm năng và gia tăng giá trị cho các cổ đông hiện tại và tương lai.
Có thể quan tâm:
3. Tầm quan trọng xác định giá trị doanh nghiệp
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường sôi động như hiện nay xác định giá doanh nghiệp có tầm quan trọng vô cùng đặc biêt mang đến cho các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư cái nhìn tổng quát về tình hình cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp từ đó đưa ra các quyết định quản lý doanh nghiệp, quyết định tài trợ, đầu tư phù hợp.
- Lợi ích của quy trình xác định giá trị DN là khả năng tổng hợp, đánh giá, phân tích và khớp lại các dữ liệu quá quá khứ và triển vọng phát triển trong tương lai của Doanh nghiệp trong một bản báo cáo chính xác và toàn diện.
- Bằng việc xác định các điểm mạnh, điểm yếu và các giá trị cốt lõi của công ty, xác định giá trị doanh nghiệp trở thành một công cụ hữu hiệu giúp công ty hiện thực hoá được cơ hội và gia tăng giá trị cho các cổ đông hoặc nhà đầu tư tương lai.
- Bên cạnh đó, trong các trường hợp cần thiết, sẽ vạch ra các kế hoạch và các kiến nghị chuẩn bị cho các hoạt động tiền và hậu IPO.
- Ngoài ra, xác định giá trị doanh nghiệp còn chỉ ra những thay đổi cần thiết về hệ thống tài chính, cơ cấu thành phần cổ đông hoặc cấu trúc doanh nghiệp bởi quy trình này sẽ tạo ra một diễn đàn mở để công ty có thể thảo luận một cách sâu rộng và xem xét xem những cơ cấu này có đồng nhất và có lợi cho tương lai của công ty hay không.
- Xác định giá trị doanh nghiệp hỗ trợ Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc đưa ra những quyết định khó khăn như các hoạt động bán hàng hoặc loại bỏ các hoạt động làm ăn không có lãi hoặc không mang tính mấu chốt, để tập trung vào những hoạt động mang lại giá trị cao
- Xác định giá trị doanh nghiệp đưa ra những phân tích về hệ thống quản trị và điều hành công ty, đồng thời cung cấp những đánh giá về năng lực đối với một số các vị trí nhân lực chủ chốt
- Một dự án Xác định giá trị doanh nghiệp toàn diện và thành công sẽ đem lại những hiệu quả tích cực do đội ngũ chuyên gia tư vấn sẽ phát hiện ra những khu vực làm ăn hiệu quả của công ty, từ đó sẽ đưa ra được những giải pháp phát huy tối đa hiệu quả điểm mạnh đó để gia tăng giá trị cho các cổ đông và chủ doanh nghiệp.
Bản báo cáo hoặc chứng thư về “Giá trị doanh nghiệp” phản ánh các nội dung gồm tình hình thực trạng của công ty và giá trị hiện tại của công ty và những mong mỏi của cổ đông và những khu vực có thể ảnh hưởng tới giá trị của họ.
4. Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp
Để xác định giá trị doanh nghiệp thẩm định viên áp dụng theo tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 được Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27 tháng 4 năm 2021 bao gồm các các tiếp cận và phương pháp thẩm định giá:
- Các tiếp cận từ thị trường: Phương pháp tỷ số bình quân; Phương pháp giá giao dịch;
- Cách tiếp cận từ chi phí: Phương pháp tài sản;
- Cách tiếp cận từ thu nhập: Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp; Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức; Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu
– Trong cách tiếp cận từ thị trường, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị của doanh nghiệp so sánh với doanh nghiệp cần thẩm định giá về các yếu tố: quy mô; ngành nghề kinh doanh chính; rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính; các chỉ số tài chính hoặc giá giao dịch đã thành công của chính doanh nghiệp cần thẩm định giá. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ thị trường để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tỷ số bình quân và phương pháp giá giao dịch.
– Trong cách tiếp cận từ chi phí, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị các tài sản của doanh nghiệp. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ chi phí để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tài sản.
– Trong cách tiếp cận từ thu nhập, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua việc quy đổi dòng tiền thuần trong tương lai có thể dự báo được về thời điểm thẩm định giá. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ thu nhập để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức và phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu.
Khi xác định giá trị DN bằng cách tiếp cận từ thu nhập cần cộng giá trị của các tài sản phi hoạt động tại thời điểm thẩm định giá với giá trị chiết khấu dòng tiền có thể dự báo được của các tài sản hoạt động tại thời điểm thẩm định giá. Trong trường hợp không dự báo được một cách đáng tin cậy dòng tiền của một số tài sản hoạt động thì thẩm định viên có thể không dự báo dòng tiền của tài sản hoạt động này và xác định riêng giá trị của tài sản hoạt động này để cộng vào giá trị doanh nghiệp. Riêng phương pháp chiết khấu cổ tức thì không cộng thêm phần tài sản phi hoạt động là tiền mặt và tương đương tiền.
Bạn đang đọc bài viết: “Xác định giá trị của doanh nghiệp” tại chuyên mục tin Kinh doanh. Mọi chi tiết đóng góp vui lòng gửi qua thông tin sau:
thamdinhgiataisan.net@gmail.com
097 113 8889