(TĐGTS Kiểm soát sự phát triển doanh nghiệp thẩm định giá) – Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật Giá nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ thẩm định giá, đồng thời kiểm soát sự phát triển nóng của các doanh nghiệp thẩm định giá.
Luật Giá quá “mở”
Theo Bộ Tài chính, Luật Giá hiện quy định các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện dịch vụ thẩm định giá, theo đó phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật; phải có ít nhất 3 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó có chủ doanh nghiệp đối với loại hình công ty TNHH một thành viên, có ít nhất 2 thành viên hợp danh đối với loại hình công ty hợp danh, có ít nhất 2 thành viên góp vốn đối với loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên, có ít nhất 2 cổ đông đối với loại hình công ty cổ phần.
Luật Giá cũng quy định, để được chứng nhận đủ điều kiện làm dịch vụ thẩm định giá thì người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc đối với loại hình công ty hợp danh, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần, chủ doanh nghiệp đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. Còn đối với loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần có thành viên góp vốn, cổ đông là tổ chức thì phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức vốn góp do Chính phủ quy định, đồng thời người đại diện của thành viên là tổ chức phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính nhận định, với mục tiêu yêu cầu đặt ra trong giai đoạn này thì các điều kiện trên được đánh giá là quá mở trong khi nghề thẩm định giá là ngành nghề đòi hỏi tính chuyên môn cao. Hơn nữa, với số lượng trên 2.300 thẩm định viên như hiện nay thì việc doanh nghiệp thẩm định giá có tối thiểu 3 thẩm định viên, chi nhánh của doanh nghiệp thẩm định giá có tối thiểu 2 thẩm định viên để kinh doanh dịch vụ thẩm định giá là rất dễ dàng.
Luật Giá cũng chưa có các quy định cụ thể về kinh nghiệm hành nghề của người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá, nhiều thẩm định viên mới được cấp thẻ thẩm định viên, chưa am hiểu về thị trường, thiếu các kiến thức hành nghề đã thành lập doanh nghiệp thẩm định giá, sau đó thu hút khách hàng bằng hạ giá dịch vụ dẫn đến chất lượng dịch vụ bị suy giảm.
Để tạm thời khắc phục, Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ngày 24/02/2021 của Chính phủ cũng đã bổ sung điều kiện kinh nghiệm hành nghề của người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.
Theo Bộ Tài chính, Luật Giá cũng quy định loại hình công ty cổ phần, tuy nhiên, đối với loại hình này thì việc rà soát bảo đảm tính khách quan trong quá trình thẩm định giá, hạn chế các lợi ích liên quan giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá là khó khả thi trong trường hợp các công ty cổ phần trở thành công ty đại chúng. Nhất là đối với loại hình cung cấp dịch vụ có tính chuyên môn sâu thì yêu cầu về chất lượng luôn gắn với con người thực hiện, vấn đề vốn đầu tư và kinh phí duy trì hoạt động không nhiều. Trong khi đó, với trách nhiệm phải luôn gắn với cá nhân và cả doanh nghiệp thì việc có quy định mô hình doanh nghiệp thẩm định giá là công ty cổ phần sẽ không phù hợp.
Bộ Tài chính cho rằng, hiện quy định pháp luật về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá được đánh giá là quá mở, hiện không còn phù hợp với giai đoạn phát triển theo hướng nâng cao chất lượng của nghề thẩm định giá.
“Nếu không giải quyết những tồn tại trên thì thị trường doanh nghiệp thẩm định giá phát triển về số lượng nhưng không đi kèm với chất lượng, tốn kém chi phí và khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ. Nhiều vụ việc thẩm định giá chất lượng dịch vụ thấp ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng và người sử dụng kết quả thẩm định giá, gây bức xúc trong dư luận và xã hội”, Bộ Tài chính nhận định.
Bổ sung quy định pháp luật
Mục tiêu đặt ra trong lúc này là nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ thẩm định giá, đồng thời kiểm soát sự phát triển nóng của các doanh nghiệp thẩm định giá.
Giải pháp được phía Bộ Tài chính đề xuất khi xây dựng Luật Giá (sửa đổi) là bổ sung quy định pháp luật theo hướng nâng cao điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Cụ thể, nâng số lượng thẩm định viên tối thiểu của một doanh nghiệp thẩm định giá từ 3 lên 5 thẩm định viên, chi nhánh của doanh nghiệp thẩm định giá phải bảo đảm có 3 thẩm định viên, giám đốc chi nhánh có đáp ứng một số điều kiện tương tự giám đốc doanh nghiệp; bỏ hình thức công ty cổ phần; yêu cầu tất cả các thành viên góp vốn phải là thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp; chuyển nội dung quy định từ Nghị định lên Luật Giá về tiêu chuẩn của thẩm định viên là người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc.
Đồng thời sẽ nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các quy định về giám sát, quản trị doanh nghiệp cho phù hợp với các hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính; các dịch vụ tư vấn pháp luật,… (kinh doanh có điều kiện), qua đó, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua hoạt động ngăn ngừa rủi ro.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, về tác động tích cực, khách hàng thẩm định giá sẽ dễ dàng trong việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá có chất lượng dịch vụ tốt, tăng niềm tin của xã hội vào tính nghiêm minh của pháp luật, vào môi trường đầu tư, kinh doanh. Còn đối với doanh nghiệp thẩm định giá: tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng dịch vụ. Đối với cơ quan quản lý nhà nước về giá: giảm chi phí giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp thẩm định giá.
Giải pháp chính sách cũng không ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp; thống nhất với Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giải pháp này cũng sẽ đi kèm với những tác động tiêu cực. Theo phân tích của Bộ Tài chính, về mặt thủ tục hành chính, giải pháp sẽ tác động đến một số doanh nghiệp là công ty cổ phần (khoảng 46%). Các doanh nghiệp này cần chuyển đổi mô hình sang các công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Qua giám sát về số lượng cổ đông của các công ty thì đều ít hơn 50 cổ đông, do đó, việc chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên là hoàn toàn khả thi. Đối với một số doanh nghiệp thẩm định giá ít hơn 5 thẩm định viên, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá ít hơn 3 thẩm định viên sẽ buộc phải tuyển thêm thẩm định viên để đủ điều kiện theo quy định.
Theo Haiquanonline
Bạn đang đọc bài viết: “Sửa Luật Giá: Kiểm soát sự phát triển nóng của các doanh nghiệp thẩm định giá” tại chuyên mục tin thẩm định giá. Mọi chi tiết đóng góp vui lòng gửi qua thông tin sau:
thamdinhgiataisan.net@gmail.com
097 113 8889 0936 016 589