Nhà ở hình thành trong tương lai

Thủ tục chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai

(TDGTS- Nhà hình thành trong tương lai)- Thế nào là nhà ở hình thành trong tương lai? Thủ tục chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai? Các bạn cùng tôi tìm câu trả lời ở bài viết dưới đây nhé.

1. Nhà ở hình thành trong tương lai

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định:

“Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là nhà, công trình xây dựng đang trong quá trình xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng”.

Như vậy, được xem là nhà ở (hay công trình xây dựng) hình thành trong tương lai nếu nhà ở (hay công trình xây dựng) đó đang được xây dựng nhưng chưa được nghiệm thu sử dụng. Nói rõ hơn, chỉ cần bất động sản chưa hoàn thành nhưng đang được xây dựng thì được coi là bất động sản hình thành trong tương lai.

Quy định về nhà ở hình thành trong tương lai tại Luật Kinh doanh bất động sản cũng có điểm khác biệt so với Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, khoản 2 Điều 108 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“2. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:

a) Tài sản chưa hình thành;

b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch”.

Tuy nhiên, khi xem xét giao dịch trong kinh doanh bất động sản thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành (Luật Kinh doanh bất động sản 2014) để xác định xem đó có phải là bất động sản hình thành trong tương lai hay không.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

2. Thủ tục chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai

Đối với nhà ở hình thành trong tương lai cũng như nhà ở đã được bàn giao cho người mua nhưng chưa thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện duy nhất dưới hình thức: chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở.

* Các điều kiện để được chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai:

Không phân biệt bên mua đã được nhận bàn giao nhà ở hay chưa, việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán phải được thực hiện trước khi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán phải được theo từng căn nhà riêng lẻ hoặc từng căn hộ. Với trường hợp hợp đồng mua bán, thuê mua nhiều căn nhà riêng lẻ hoặc nhiều căn hộ thì phải chuyển nhượng toàn bộ số căn nhà hoặc căn hộ trong hợp đồng đó. Trong trường hợp muốn chuyển nhượng một hoặc một số căn hộ thì phải ký lại hợp đồng hoặc ký phụ lục bổ sung cho các căn hộ dự định chuyển nhượng này.

* Trình tự, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở (hay công trình xây dựng) hình thành trong tương lai, gồm các bước sau:

Bước 1: Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải thống nhất lập Văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định và theo mẫu tại Thông Tư 19/2016/TT-BXD.

Bước 2 (nếu có): Trường hợp bên chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thì Văn bản chuyển nhượng hợp đồng phải được công chứng hoặc chứng thực. Ngược lại, nếu bên chuyển nhượng có chức năng kinh doanh bất động sản thì việc công chứng, chứng thực hợp đồng sẽ phụ thuộc vào thoả thuận của các bên.

Hồ sơ đề nghị công chứng hoặc chứng thực gồm các giấy tờ sau:

– 7 bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;

– Bản chính hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư; trường hợp chuyển nhượng từ lần thứ hai trở đi thì phải kèm theo bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng của lần chuyển nhượng liền kề trước đó;

– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao và phải xuất trình bản chính để đối chiếu của các giấy tờ: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị nếu là cá nhân, nếu là tổ chức thì phải kèm theo quyết định thành lập hoặc giấy đăng ký thành lập tổ chức đó;

– Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

Bước 3 (nếu có): Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí và lệ phí tại cơ quan thuế cho việc chuyển nhượng hợp đồng. Trường hợp được miễn thuế phải có tài liệu chứng minh.

Bước 4: Yêu cầu chủ đầu tư xác nhận vào Văn bản chuyển nhượng hợp đồng. Bên nhận chuyển nhượng nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị chủ đầu tư xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng, gồm các giấy tờ sau đây:

– 5 bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, trong đó có 01 bản của bên chuyển nhượng.

– Bản chính hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư. Trường hợp chuyển nhượng từ lần thứ hai trở đi thì phải kèm theo bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng của lần chuyển nhượng liền kề trước đó. Trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở thì phải có thêm bản sao có chứng thực biên bản bàn giao nhà ở.

– Biên lai nộp thuế cho việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh về việc được miễn thuế theo quy định pháp luật về thuế.

– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao và phải xuất trình bản chính để đối chiếu các giấy tờ của bên nhận chuyển nhượng: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương nếu là cá nhân. Nếu là tổ chức thì phải kèm theo quyết định thành lập hoặc giấy đăng ký thành lập tổ chức đó.

Chủ đầu tư có trách nhiệm xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng trong thời hạn tối đa là 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ và bàn giao lại cho bên nộp hồ sơ các giấy tờ theo quy định. Bên nhận chuyển nhượng cuối cùng sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định.

Bạn đang đọc bài viết: Nhà ở hình thành trong tương lai? Thủ tục chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai tại chuyên mục tin Bất động sản. Mọi chi tiết đóng góp vui lòng gửi qua thông tin sau:

thamdinhgiataisan.net@gmail.com

  097 113 8889

  www.thamdinhgiataisan.net